Tiếng Việt   English  

Thông tư 05/2021/TT-BTP hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư

Thông tư 05/2021/TT-BTP ngày 24 tháng 06 năm 2021 hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.


THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư
 

Căn cứ Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư; Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc công nhậnđào tạo nghề luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư; trưởng chi nhánh, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh và thông báo thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài; Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc; kiểm tra, chế độ báo cáo và một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động luật sư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, người đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chương II

CÔNG NHẬN ĐÀO TẠO NGHỀ LUẬT SƯ Ở NƯỚC NGOÀI;

GIẤY TỜ CHỨNG MINH ĐƯỢC MIỄN ĐÀO TẠO NGHỀ LUẬT SƯ VÀ MIỄN, GIẢM THỜI GIAN TẬP SỰ; THU HỒI, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 3. Công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài

1. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được công nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định, thoả thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết;

b) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

2. Người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài muốn được công nhận ở Việt Nam thì nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài;

b) Bản sao Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bản sao kết quả đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

Các giấy tờ quy định tại điểm b và c khoản này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và được dịch ra tiếng Việt; bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.  

Điều 4. Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:

1. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.

2. Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.

3. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát hoặc Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

4. Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.

5. Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Điều 5. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Khi có căn cứ xác định luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

2. Khi có căn cứ xác định luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Đoàn Luật sư nơi người đó là thành viên hoặc các cơ quan, tổ chức khác có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của người đó kèm theo các giấy tờ chứng minh luật sư thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định kỷ luật luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo Quyết định kỷ luật luật sư. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư phải chấm dứt hoạt động hành nghề luật sư kể từ ngày có Quyết định kỷ luật luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.

Hằng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát ngườithuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

3.Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, trừ trường hợp Quyết định kỷ luật luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư bị khiếu nại và đang được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được gửi cho người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Đoàn Luật sư nơi người đó đã là thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, Sở Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương nơi có Đoàn Luật sư mà người đó đã là thành viên. Trong trường hợp người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do không gia nhập Đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được gửi cho người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của người đó. Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra quyết định thu hồi Thẻ luật sư của người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Quyết định thu hồi Thẻ luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

5. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư có trách nhiệm nộp lại bản gốc Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư cho Đoàn Luật sư nơi mình đã là thành viên. Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm thu và tiêu hủy Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư.

Trong trường hợp người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do không gia nhập Đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thìngười bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư nộp lại bản gốc Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Sở Tư pháp có trách nhiệm thu và tiêu hủy Chứng chỉ hành nghề luật sư.

6. Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư bị tiêu hủy dưới hình thức cắt góc bên trái của Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư.

Điều 6. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư 

1. Việc cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư thuộc trường hợp đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư thuộc trường hợp được miễn tập sự hành nghề luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Luật sư. 

2. Trong trường hợp Chứng chỉ hành nghề luật sư bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khách quan mà thông tin trên Chứng chỉ hành nghề luật sư bị thay đổi thì được cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.

3. Thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Luật sư.

Chương III

TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ, TỔ CHỨC

HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 7. Cách thức đánh số Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân

Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân được đánh số như sau:

Hai chữ số đầu là mã tỉnh (Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này); hai chữ số tiếp theo là mã của hình thức hành nghề luật sư (Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này); bốn chữ số tiếp theo là số thứ tự đăng ký dùng chung cho các loại hình tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

 Trong trường hợp chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư thì số thứ tự đã đăng ký của tổ chức hành nghề luật sư được giữ nguyên khi cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 8. Trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư

1. Văn phòng luật sư, công ty luật cử luật sư là thành viên hoặc luật sư làm việc theo hợp đồng lao động làm Trưởng chi nhánh, trừ trường hợp luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật, luật sư thành viên chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc văn phòng luật sư, công ty luật đó.Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh của một tổ chức hành nghề luật sư.

2. Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và các đơn vị trực thuộc.

Điều 9. Chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Luật sư thì được Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động của chi nhánh cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

2. Tổ chức hành nghề luật sư thành lập văn phòng giao dịch thì gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động thì tổ chức hành nghề luật sư có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động. Sở Tư pháp ghi nhận việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động của văn phòng giao dịch trên Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 10. Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài

1. Trong trường hợp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khách quan mà thông tin trên Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động, Giấy phép hành nghềbị thay đổi thì thủ tục và hồ sơ cấp lại được thực hiện theoquy định tạiĐiều 78, Điều 79 và Điều 82 của Luật Luật sư.

2. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp gửi kèm theo danh sách luật sư nước ngoài làm việc tại chi nhánh, công ty luật nước ngoài. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động với luật sư nước ngoài thì chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải thông báo bằng văn bản về việcký kết, chấm dứt hợp đồng lao động choSở Tư pháp nơi đăng ký hoạt độngđể Sở Tư pháp ghi nhận vào mẫu phụ lục đính kèm Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài.

Chương IV

TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA LUẬT SƯ

Điều 11. Đại hội luật sưcủa Đoàn Luật sư và Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

1. Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn Luật sư. Căn cứ vào số lượngthành viên của Đoàn Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư có thể tổ chức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư. Cơ cấu, số lượng đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư do Đoàn Luật sư quyết định trên cơ sở Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt. Việc phân bổ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn Luật sư căn cứ vào số lượng đại biểu dự kiến triệu tập, đảm bảo có đại diện của các tổ chức hành nghề luật sư, cơ cấu về giới, lứa tuổi, dân tộc và cơ cấu quận, huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú của luật sư. Việc lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn Luật sư phải đảm bảo bình đẳng, dân chủ, công khai, minh bạch. Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn việc lựa chọn và phân bổ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn Luật sư.

2. Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng luật sư toàn quốc triệu tập. Hội đồng luật sư toàn quốc hướng dẫn cụ thể về số lượng và phân bổ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc. Việc phân bổ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc căn cứ vào số lượng đại biểu dự kiến triệu tập, đảm bảo có đại diện của các Đoàn Luật sư, cơ cấu về giới, lứa tuổi, dân tộc và vùng, miền. Việc lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc phải đảm bảo bình đẳng, dân chủ, công khai, minh bạch và từ các Đoàn Luật sư.

3. Đại biểu tham dự Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư hoặc Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc phải là luật sư và đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam;

c) Có uy tín, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và khả năng đóng góp vào các quyết định của Đại hội.

Điều 12. Đề án tổ chức Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc

Đề án tổ chức Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư và Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc được xây dựng theo quy định của pháp luật về luật sư và hướng dẫn tại Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích, lý do tổ chức Đại hội;

2. Quá trình chuẩn bị Đại hội;

3. Thời gian, địa điểm tổ chức, thành phần tham dự, danh sách dự kiến đại biểu tham dự; trong trường hợp tổ chức Đại hội đại biểu thì quy định rõ số lượng và thể thức lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội;

4. Đề án nhân sự, phương án xây dựng nhân sự;

5. Kịch bản Đại hội, kịch bản điều hành Đại hội và phương thức làm việc;

6. Quy chế Đại hội, quy chế bầu cử và nội quy Đại hội;

7. Danh sách dự kiến Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Đoàn, Thư ký Đại hội, Ban giám sát Đại hội và Ban kiểm phiếu;

8. Nội quy Đoàn Luật sư hoặc Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (nếu có sửa đổi, bổ sung);

9. Vấn đề đảm bảo an ninh Đại hội.              

Điều 13. Phương án xây dựng nhân sự

1. Phương án xây dựng nhân sự quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này có các nội dung cơ bản sau đây:

a) Cơ cấu tổ chức, số lượng nhân sự dự kiến bầu;

b) Quy trình xây dựng nhân sự;

c) Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh;

d) Danh sách trích ngang nhân sự cụ thể dự kiến giới thiệu vào các chức danh;

đ) Kết quả thẩm tra tư cách ứng cử viên.

2. Nhân sự dự kiến bầu Chủ nhiệm, Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản sau đây:

a) Trung thành với Tổ quốc và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,BộQuy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam;

c) Có uy tín, trình độ chuyên môn, năng lực xử lý công việc, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm;

d) Có điều kiện về thời gian và các điều kiện khác để tham gia hoạt động thường xuyên của Đoàn Luật sư hoặc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Điều 14. Biên bản thông qua Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư  

1. Biên bản thông qua Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm tổ chức; số lượng, thành phần đại biểu tham dự Đại hội;

b) Các ý kiến phát biểu tại Đại hội;

c) Kết quả biểu quyết thông qua.

2. Biên bản thông qua Điều lệLiên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sưdo Chủ tịch Đoàn và Thư ký Đại hội ký; trong trường hợp Biên bản có nhiều trang thì Thư ký ký vào từng trang của Biên bản.

Điều 15. Biên bản bầu cử

1. Biên bản bầu cử có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm tổ chức; số lượng, thành phần đại biểu tham dự Đại hội;

b) Số lượng các chức danh dự kiến bầu;

c) Danh sách các ứng cử viên;

d) Kết quả kiểm phiếu;

đ) Danh sách trúng cử.

2. Biên bản bầu cử do Trưởng Ban kiểm phiếu và Trưởng Ban giám sát ký; trong trường hợp Biên bản có nhiều trang thì Trưởng Ban kiểm phiếu và Trưởng Ban giám sát ký vào từng trang của Biên bản.

Điều 16. Nghị quyết Đại hội

1. Nghị quyết Đại hội có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự Đại hội;

b) Nội dung Đại hội;

c) Kết quả biểu quyết từng vấn đề của Đại hội và kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội.

2. Nghị quyết Đại hội do Chủ tịch Đoàn ký; trong trường hợp Nghị quyết có nhiều trang thì Chủ tịch Đoàn ký vào từng trang của Nghị quyết.

Chương V

  KIỂM TRA VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư

1. Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư theo thẩm quyền.

2. Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra theo kế hoạch hằng năm về tổ chức và hoạt động luật sư trong phạm vi toàn quốc và thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Sở Tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sưtại địa phương, trong đó xác định rõ đối tượng kiểm tra, thời gian và nội dung kiểm tra; nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Đoàn kiểm tra và thành viên Đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra.

Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tổ chức, hoạt động luật sư.

4.Kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư được thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.

5. Trong thời hạn 15ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Sở Tư pháp gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra.

Điều 18. Nguyên tắc kiểm tra tổ chức, hoạt động luật sư

1. Công khai, khách quan, minh bạch và đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.

2. Bảo đảm tính bảo mật trong hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tuân thủ quy định của pháp luật về luật sưvà hành nghề luật sư,các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 19. Nội dung kiểm tra

1. Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp  của luật sư, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lạiChứng chỉ hành nghề luật sư; đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; việc đăng ký, giám sát tập sự hành nghề luật sư;

b) Đăng ký gia nhập Đoàn Luật sư; cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư;

c) Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê;

e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lậpcác mẫusổ sách và lưu trữ giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;

g) Thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, quy định của pháp luật có liên quanvà Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

2. Đối với tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực hiện các quy định về đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt độngcủa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, thay đổi nội dungGiấy phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, gia hạnGiấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài;

b) Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong trường hợp có thuê lao động;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, thống kê;

d) Ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật;

đ) Tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư;

e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;

g) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

h) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư hành nghề tại tổ chức;

i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư.

3. Đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung ghi trong Giấy đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư,quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực hiện việc cấp, thay đổi, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

b) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

d) Thực hiện các quy định về kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

đ) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư;

e) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra gồm có Trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng Đoàn kiểm tra là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư. Các thành viên Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư.

2. Trưởng Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra;

b) Báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra gia hạn thời hạn kiểm tra trong trường hợp cần thiết;

c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra;

d) Lập biên bản kiểm tra; xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản, báo cáo đó;

đ) Lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tổ chức, hoạt động luật sư.

3. Các thành viên trong Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra và có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến đối tượng kiểm tra.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra

1. Đối tượng kiểm tra có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thành viên Đoàn kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật;

b) Nhận biên bản kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra;

c) Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra;

d) Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng kiểm tra có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Chuẩn bị đầy đủ các báo cáo và sổ sách theo quy định tại Thông tư này,các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

c) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

d) Ký biên bản kiểm tra sau khi kết thúc kiểm tra;

đ) Chấp hành quyết định của Đoàn kiểm tra;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trình tự, thủ tục kiểm tra

1. Công bố quyết định kiểm tra khi bắt đầu tiến hành kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư.

2. Đối chiếu, kiểm tra, đánh giá nội dung báo cáo và các sổ sách, giấy tờ, tài liệu được xuất trình theo quy định của pháp luật.

3. Lập biên bản kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư sau khi kết thúc kiểm tra.

4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Chương VI

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, CÁC MẪU GIẤY TỜ KÈM THEO

Điều 23. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hằng năm, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có trách nhiệm lập báo cáo về tổ chức và hoạt động của mình gửi Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư hoặc nơi đăng ký hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo về tổ chức và hoạt động luật sư gửi Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi đặttrụ sở.

Thời gian gửi báo cáo năm của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam chậm nhất vàongày 05của tháng cuối kỳ báo cáo.

Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thực hiện việc cập nhật số liệu về tổ chức, hoạt độngđịnh kỳ 06 tháng theo biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20 tháng 3 năm 2019của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp; báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của mình theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp.

2. Báo cáo hằng nămcủa tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sưthực hiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 25 của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Thời gian gửi báo cáo năm của Đoàn Luật sư chậm nhất vào ngày 10của tháng cuối kỳ báo cáo; báo cáo năm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam chậm nhất vàongày 15 của tháng cuối kỳ báo cáo.

3. Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm lập báo cáo gửi Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương. Nội dung báo cáo của Sở Tư pháp gửi Bộ Tư pháp được thể hiện trong Báo cáo kết quả công tác tư pháp hằng năm theo Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2019của Bộ trưởng Bộ Tư phápquy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Việc báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Hình thức báo cáo và thời gian chốt số liệu thực hiện theo Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31 tháng 12năm 2019của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Điều 24. Nội dung báo cáo

1. Báo cáo của Sở Tư pháp có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tóm tắt tình hình tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương;

b) Những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân về việc phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; hoạt động hành nghề của luật sư;thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương;đánh giá việc thực hiện vai trò tự quản của Đoàn Luật sư; xây dựng tổ chức Đảng trong Đoàn Luật sư;

c) Đề xuất, kiến nghị.

2. Báo cáo của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tóm tắt tình hình tổ chức và hoạt động luật sư của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

b) Những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân về việc phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; hoạt động hành nghề luật sư; tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; thực hiện vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên mới trong Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; hoạt động hợp tác quốc tế của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

c) Đề xuất, kiến nghị.

3. Báo cáo của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tóm tắt tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

b) Những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

c) Đề xuất, kiến nghị.

Điều 25. Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc báo cáo và lập hồ sơ, sổ sách

1. Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại khoản 8 Điều 40 của Luật Luật sư, hướng dẫn tại Điều 23 và Điều 24 của Thông tư này và Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20 tháng 3 năm 2019của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp.

Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 35, 36, 37 và 38 Điều 26 của Thông tư này, theo quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, kế toán, thống kê và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 35, 36 và 37 Điều 26 của Thông tư này, theo quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, kế toán, thống kê và quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Thông tư này.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 35, 38, 39 và 40 Điều 26 của Thông tư này và theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

3. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có thể lập sổ sách điện tử. Khi hết năm, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư phải in, đóng thành quyển và đóng dấu giáp lai theo quy định của pháp luật. Việc lưu trữ các báo cáo, hồ sơ, sổ sách được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 26. Các mẫu giấy tờ và sổ

1. Đơn đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-01);

2. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Mẫu TP-LS-02);

3. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Mẫu TP-LS-03);

4. Giấy đề nghị đăng ký hoạt độngcủachi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-04);

5. Đơn đề nghị đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân (Mẫu TP- LS-05);

6. Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-06);

7. Thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch (Mẫu TP-LS-07);

8. Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Mẫu TP-LS-08);

9. Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Mẫu TP-LS-09);

10. Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-10);

11. Giấy đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân (Mẫu TP-LS-11);

12. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-12);

13. Đơn đề nghị thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-13);

14. Đơn đề nghị thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-14);

15. Đơn đề nghị thành lập công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (Mẫu TP-LS-15);

16. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-16);

17. Giấyđề nghị cấp lại, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài (Mẫu TP-LS-17);

18. Đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (Mẫu TP-LS-18);

19. Đơn đề nghị cấp lại, gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (Mẫu TP-LS-19);

20. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-20);

21. Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-21);

22. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-22);

23. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-23);

24. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (Mẫu TP-LS-24);

25. Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-25);

26. Giấy đề nghịcấp lại,thay đổi nội dungGiấyđăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài (Mẫu TP-LS-26);

27. Giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (Mẫu TP-LS-27);

28. Giấy đề nghị hợp nhất,sáp nhậpcông ty luậtViệt Nam (Mẫu TP-LS-28);

29. Giấy đề nghị chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam (Mẫu TP-LS-29);

30. Giấy đề nghịhợp nhất,sáp nhập công ty luậtnước ngoài (Mẫu TP-LS-30);

31. Giấy đề nghị chuyển đổi chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-31);

32. Giấy đề nghị chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam (Mẫu TP-LS-32);

33. Báo cáovề tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam (Mẫu TP-LS-33);

34. Báo cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoàitại Việt Nam(Mẫu TP-LS-34);

35. Sổ theo dõi văn bản đi/văn bản đến (Mẫu TP-LS-35);

36. Sổ theo dõi việc sử dụng lao động (Mẫu TP-LS-36);

37. Sổ theo dõi hợp đồng dịch vụ pháp lý (Mẫu TP-LS-37);

38. Sổ theo dõi việc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng/thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí (Mẫu TP-LS-38);

39. Sổ theo dõi khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm (Mẫu TP-LS-39);

40. Sổ theo dõi khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Mẫu TP-LS-40);

41. Sổ đăng ký hoạt động (Mẫu TP-LS-41).

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2021.

2. Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.        

Điều 28. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc các Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.  


 

other_laws

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

028.3620.8435 0942.05.04.07 0946.05.04.07
Giấy phép kinh doanh số : 0308929524 cấp ngày : 29/05/2009 bởi Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP.Hồ Chí Minh
Người đại diện: ông Thủy Ngọc Thu